Kiểm soát bệnh lý hô hấp trên heo sau cai sữa

Score4,5 (15 Votes)

Kiểm soát bệnh lý hô hấp trên heo sau cai sữa

Giai đoạn cai sữa là giai đoạn nhạy cảm nhất đối với sức khoẻ, tăng trưởng của heo.

Ở giai đoạn này, heo chịu tác động của nhiều yếu tố gây stress, miễn dịch mẹ truyền ở heo bị sụt giảm… tạo điều kiện cho sự phát triển của các tác nhân gây bệnh cơ hội có thể đã nhiễm sẳn trên đường hô hấp ở giai đoạn heo con theo mẹ, làm gia tăng khả năng mắc bệnh hô hấp ở heo sau cai sữa.

Hình 1.jpgBệnh lý hô hấp ở heo cai sữa liên quan đến nhiều yếu tố nên thường được xem là dạng bệnh lý hô hấp phức hợp, nhìn chung là do sự tương tác của 3 nhóm yếu tố: vi sinh vật (virus và vi khuẩn), quản lý chuồng trại - chăm sóc nuôi dưỡng và miễn dịch. Các tác nhân virus gây bệnh có thể bao gồm PRRS virus, PCV2, virus cúm (Swine Influenzae virus – SIV)… và những vi khuẩn như Mycoplasma hyopneumoniae (M. hyo), Haemophillus parasuis (HPS), Actinobacillus pleuropneumoniae (APP), Bordetella bronchiseptica (Atrophic Rhinitis - AR), Pasteurella multocida (AR), Streptococcus suis

Bệnh lý hô hấp ở heo cai sữa thường có nguyên căn từ giai đoạn theo mẹ, do sự lây nhiễm tác nhân vi sinh vật gây bệnh từ heo mẹ mang trùng và tình trạng miễn dịch kém của heo con giai đoạn theo mẹ. Do vậy, để kiểm soát hiệu quả bệnh lý hô hấp ở heo cai sữa cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ từ giai đoạn theo mẹ và sau đó là ở giai đoạn sau cai sữa. Tương tự như trong trường hợp bệnh tiêu chảy ở heo sau cai sữa, muốn kiểm soát hiệu quả quả bệnh lý hô hấp ở heo cai sữa cần tiến hành đồng bộ 3 nhóm giải pháp: giải pháp chăn nuôi, giải pháp miễn dịch, giải pháp kháng sinh.

1. Giải pháp chăn nuôi

1.1 Quản lý nái sinh sản

Sức khoẻ đàn nái sinh sản giữ vai trò quyết định đến sức khoẻ heo theo mẹ và cai sữa đối với bệnh lý hô hấp. Đàn nái sinh sản càng khoẻ mạnh, miễn dịch càng cao, sản xuất càng nhiều sữa, bài thải càng ít tác nhân gây bệnh lý hô hấp… đàn con được sinh ra càng khoẻ mạnh, càng phát triển tốt và càng ít nhiễm tác nhân gây bệnh lý hô hấp. Điều này sẽ quyết định sức khoẻ đường hô hấp, tăng trưởng của heo sau cai sữa, kể cả heo choai và heo thịt.

Trại nên tiêm vắc-xin cho nái để phòng bệnh do các tác nhân gây bệnh trên đường hô hấp như: M. hyopneumonia, H. parasuis, P. multocida, B, bronchiseptica, APP, Streptococcus, PRRSV, PCV2, virus cúm… Miễn dịch được hình thành do tiêm vắc-xin ở nái sẽ được truyền qua cho heo con, không chỉ bảo vệ heo con khỏi bị lây nhiễm các tác nhân gây bệnh trên đường hô hấp từ nái và từ môi trường chuồng trại, mà còn giúp kiểm soát hiệu quả bệnh lý hô hấp ở heo cai sữa.

Trại cũng cần chú ý kiểm soát các yếu tố gây Hội chứng giảm sữa – mất sữa sau sinh ở nái (nền chuồng, tiểu khí hậu, dinh dưỡng (chế độ cho ăn, khẩu phần, nước uống), chăm sóc trước – trong và sau sinh, vệ sinh – tiêu độc…). Theo dõi chặt chẽ thể trạng, tình trạng tiết sữa của nái, tổn thương chân móng, hệ thống cấp nước, thức ăn cho nái… để khắc phục sự cố nhanh nhất có thể, giúp nái tiết sữa tốt nuôi con khoẻ mạnh.

1.2 Quản lý heo sơ sinh – theo mẹ

            Sức khoẻ của heo sơ sinh – theo mẹ có ý nghĩa quyết định đến sức khoẻ và sự sinh trưởng của heo sau cai sữa. Heo sơ sinh cần được bú sữa đầu của nái sớm và đủ, tốt nhất trong vòng 6 – 12 giờ sau khi sinh để có được miễn dịch toàn thân chống lại các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng đường máu. Trại cần đảm bảo điều kiện tiểu khí hậu đặc biệt riêng cho heo sơ sinh – theo mẹ (nhiệt độ ấm, khô ráo, không gió lùa) để nâng cao sức đề kháng của heo con. Việc cắt răng – cắt rốn – cắt đuôi cho heo con phải được thực hiện đúng kỹ thuật để hạn chế nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm ở heo con theo mẹ, gia tăng mức độ bệnh lý hô hấp ở heo sau cai sữa. Khuyến cáo nên tiêm kháng sinh có tác động kéo dài cho heo con sau khi thực hiện việc cắt răng – cắt rốn – cắt đuôi cho heo con để giảm viêm nhiễm, giảm nguy cơ bệnh lý hô hấp.

Nái đẻ càng nhiều con sẽ càng có nhiều heo con sơ sinh trọng lượng nhỏ, yếu, không bú đủ lượng sữa đầu cần thiết… miễn dịch sẽ kém, càng dễ mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Trại cần cho heo con theo mẹ ăn sữa thay thế, và tập ăn cho heo con từ 5 – 7 ngày tuổi để hỗ trợ heo con phát triển tốt, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ bị bệnh giai đoạn sau cai sữa.

1.3 Quản lý chuồng trại, tiểu khí hậu

Nhiệt độ, ẩm độ chuồng cái sữa quá cao hay quá thấp, tốc độ gió quá mạnh, thông thoáng khí quá kém sẽ làm gia tăng tích tụ khí độc trong chuồng (NH3, CO2…)… có thể gây nên rối loạn sinh lý, giảm sức đề kháng, tổn thương đường hô hấp… thuận lợi cho sự tồn tại, xâm nhiễm, lây nhiễm và gây bệnh của vi sinh vật gây bệnh trên đường hô hấp (M. hyopneumonia, H. parasuis, P. multocida, B. bronchiseptica, APP, Streptococcus, PRRSV, virus cúm…).

Để quản lý điều kiện tiểu khí hậu tốt, cần theo dõi, đánh giá thường xuyên các chỉ tiêu ẩm độ, nhiệt độ, tốc độ gió, nồng độ khí độc (NH3, CO2…) trong khu chuồng cai sữa và xác định nguyên nhân (mật độ nuôi, thiết kế chuồng, hệ thống làm lạnh, quạt hút, bụi bẩn, hệ thống thoát chất thải, màn che…), và tiến hành các biện pháp xử lý. Sau khi xử lý, tiếp tục theo dõi và đánh giá điều kiện tiểu khí hậu để đảm bảo rằng vấn đề đã được giải quyết đúng. Nếu phát hiện vẫn chưa đạt yêu cầu, tiếp tục tìm cách xử lý, theo dõi và đánh giá… Cần đảm bảo nhiệt độ khu vực heo con theo mẹ là 30 – 35OC, heo sau cai sữa 25- 30 OC, và ẩm độ chuồng ở mức 65 – 70%, tốc độ gió khoảng 0,2 – 0,3 m/s, nồng độ chất khí độc NH3 < 10 ppm, CO2 < 0,15 %. Mật độ nuôi nên ở mức 0,3 m2/heo sau cai sữa.

Thực hiện quy trình vệ sinh – tiêu độc thường xuyên và nghiêm ngặt, đúng yêu cầu kỹ thuật. Tiến hành tiêu độc toàn bộ không gian chuồng trại (nền, thành, không gian chuồng phía trên…) ít nhất 2 ngày một lần. Biện pháp này sẽ làm giảm mầm bệnh trong chuồng nuôi, hạn chế sự lây truyền qua không khí, đường lây truyền quan trọng của vi sinh vật gây bệnh lý hô hấp, giúp giảm nguy cơ bệnh ở heo sau cai sữa.

1.4 Quản lý cai sữa

Trại cần kiểm soát tốt quy trình cai sữa, giảm thiểu tối đa stress (chuẩn bị chuồng trại cai sữa, chuyển heo cai sữa, chăm sóc sau cai sữa…); hạn chế ghép nhiều bầy heo với nhau và nên sắp heo đồng đều trọng lượng; theo dõi và kiểm soát tình trạng heo cắn nhau, cắn đuôi, thực hiện tốt quy trình cho ăn chuyển đổi từ từ… Đặc biệt, trại cần bố trí khu vực sưởi ấm cho heo, tránh để heo nằm trực tiếp dưới nền chuồng… trong vòng 2 tuần sau cai sữa và giai đoạn heo choai chuyển thịt.

2. Giải pháp miễn dịch

Bệnh lý hô hấp trên heo cai sữa liên quan đến nhiều tác nhân vi sinh vật (M. hyopneumonia, H. parasuis, P. multocida, B. bronchiseptica, APP, Streptococcus, PRRSV, PCV2, virus cúm…). Đàn nái sinh sản được xem là nguồn lưu cữu chính các tác nhân gây bệnh này. Heo nái mang trùng sẽ bài thải và lây nhiễm các tác nhân gây bệnh đường hô hấp cho heo con, dẫn đến các bệnh lý hô hấp ở heo sau cai sữa khi các yếu tố nguy cơ không được kiểm soát tốt. Muốn kiểm soát hiệu quả bệnh lý hô hấp ở heo sau cai sữa, cần đảm bảo ít nhất 3 điều kiện: (1) Heo mẹ không mang trùng hoặc mang trùng nhưng bài thải ít; (2) Heo con theo mẹ được bảo vệ chống lại sự lây nhiễm các tác nhân gây bệnh; (3) Miễn dịch ở heo con đủ bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh trên đường hô hấp cho đến trước khi được tiêm vắc-xin ở giai đoạn sau cai sữa. Để đạt được 3 điều kiện này chúng ta cần thực hiện tốt 3 quy trình miễn dịch: Miễn dịch trên đàn nái, miễn dịch ở heo con theo mẹ, miễn dịch ở heo sau cai sữa.

2.1 Miễn dịch trên đàn nái

Tiêm vắc-xin phòng các bệnh do M. hyopneumonia, H. parasuis, P. multocida, B. bronchiseptica, APP, Streptococcus, PRRSV, PCV2, virus cúm… trên toàn bộ đàn nái. Đặc biệt lưu ý nái hậu bị là đối tượng có miễn dịch kém nhất trong đàn nái, vì thế cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đúng quy trình, kỹ thuật các loại vắc-xin nói trên cho hậu bị trước khi chúng được đưa vào đàn sinh sản.

 

2.2 Miễn dịch ở heo con theo mẹ

Heo con được sinh ra từ nái được tiêm vắc-xin sẽ có miễn dịch tốt hơn, giúp heo con tránh được tình trạng nhiễm sớm các tác nhân gây bệnh lý hô hấp ở giai đoạn theo mẹ. Tuy nhiên, heo con phải nhận được đầy đủ miễn dịch mẹ truyền thông qua sữa đầu và sữa nái suốt giai đoạn theo mẹ. Do vậy cần đảm bảo cho heo mẹ phải tiết được sữa nhiều và heo con phải được bú sữa đầu đầy đủ trong vòng 12 tiếng sau khi sinh. Miễn dịch ở heo con theo mẹ đối với M. hyopneumonia, PRRS virus thường không được đảm bảo đến sau cai sữa, vì thế heo con theo mẹ thường được tiêm 2 loại vắc-xin này để phòng bệnh cho heo giai đoạn cai sữa.

2.3 Miễn dịch ở heo sau cai sữa

Miễn dịch mẹ truyền đối với các tác nhân H. parasuis, P. multocida, B. bronchiseptica, APP, Streptococcus, PCV2… thường được duy trì đến sau cai sữa. Vì thế, đối với các tác nhân này việc tiêm vắc-xin thường nên được thực hiện ở giai đoạn sau cai sữa. Tuổi tiêm các loại vắc-xin này thay đổi tuỳ theo đặc điểm miễn dịch của từng bệnh, thường từ 4 – 5 tuần tuổi trở đi. Đối với các bệnh đã tiêm vắc-xin mũi 1 ở heo con theo mẹ (ví dụ, M. hyopneumonia, PRRS), cần tiêm tiếp mũi 2 ở giai đoạn sau cai sữa. Miễn dịch được tạo thành ở heo sau cai sữa do tiêm vắc-xin đúng loại, đúng thời điểm, đúng kỹ thuật… sẽ giúp kiểm soát hiệu quả bệnh lý hô hấp, không chỉ ở heo sau cai sữa, mà cả ở heo choai, heo thịt.

3. Giải pháp kháng sinh

Tiêm vắc-xin phòng các tác nhân gây bệnh trên đường hô hấp (M. hyopneumonia, H. parasuis, P. multocida, B. bronchiseptica, APP, Streptococcus, PRRSV, PCV2…) là biện pháp quan trọng và hiệu quả trong kiểm soát bệnh lý hô hấp ở heo sau cai sữa. Tuy nhiên, trong trường hợp áp lực dịch bệnh cao, các giải pháp chăn nuôi chưa được thực hiện tốt, đồng bộ… bổ sung kháng sinh vào trong thức ăn hoặc nước uống cho heo sau cai sữa là giải pháp cần thiết giúp tăng cường hiệu quả kiểm soát bệnh lý hô hấp ở heo sau cai sữa. Việc cấp kháng sinh nên lưu ý các điểm sau:

  • Thời điểm cấp kháng sinh là vào các thời điểm nguy cơ, gây nhiều stress cho heo: Cai sữa, chuyển chuồng, thời tiết thay đổi.
  • Phòng bệnh: có thể sử dụng doxycyclin, oxytetracyclin, florphenicol, amoxicillin, tylosin, tiamulin, lincomycin… trộn trong thức ăn, nước uống trong vòng 1 - 2 tuần. Liệu trình:
    • Sau khi tách mẹ, trong vòng 2 tuần (cho đến sau khi chuyển sang chuồng cai sữa)
    • 1 tuần trước khi bệnh xảy ra tại trại
    • 1 tuần lúc thời điểm khí hậu thay đổi
    • 1 tuần sau khi nhập đàn – trộn đàn – thay đổi thức ăn

Trị bệnh: có thể dùng amoxicillin, amoxicillin kết hợp a-xít clavulanic, tylosin, tiamulin, tilmicosin, tulathromycin, enrofloxacin, ceftiofur, cefquinome… Ngoài ra, cần tiêm kháng viêm cho heo (dexamethasone, ketoprofen, meloxicam…) trong vòng 3 – 5 ngày để trị các tổn thương trên đường hô hấp, và vitamin C, B để hỗ trợ miễn dịch, nâng sức đề kháng cho heo.

Theo PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Khoa Chăn nuôi - Thú y, Đại học Nông Lâm Tp. HCM

Vote for this content: 5 4 3 2 1