PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Khoa Chăn nuôi – Thú y, Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh
APP và PM là những vi khuẩn hội sinh, thường trú trong hệ vi sinh vật trên đường hô hấp của heo. Heo mang trùng là nguồn lưu cữu, bài thải và lây truyền APP và PM trong đàn heo. Bệnh do APP và PM thường ở thể mãn tính, gây thiệt hại chủ yếu ở heo choai, heo nuôi thịt – xuất chuồng do làm giảm tăng trọng, hiệu quả sử dụng thức ăn thấp, chi phí thú y cao. Dựa trên đặc điểm gây bệnh của APP và PM, chiến lược kiểm soát bệnh do APP và PM phải dựa trên việc thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp, có tác dụng hỗ trợ và cộng hưởng cho nhau đó là: An toàn sinh học (quản lý chuồng trại, quản lý đàn), tiêm phòng vaccine APP – PM và sử dụng kháng sinh phòng bệnh tại các thời điểm nguy cơ (Hình 1). Quản lý chuồng trại – đàn heo (an toàn sinh học, tiểu khí hậu, chăm sóc nuôi dưỡng); tiêm phòng vaccine và bổ sung kháng sinh. Việc thực hiện tốt, đồng bộ các nhóm biện pháp sẽ cộng hưởng và gia tăng hiệu quả của chiến lược kiểm soát APP và PM trên đàn heo.
1. An toàn sinh học (quản lý chuồng trại, quản lý đàn)
Việc kiểm soát APP và PM trước hết cần dựa vào các biện pháp an toàn sinh học, quản lý điều kiện tiểu khí hậu, mật độ nuôi trong đàn để kiểm soát sự xâm nhập, lưu nhiễm, lây truyền và giảm thấp áp lực gây bệnh của APP và PM trên đàn heo, đồng thời đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng phù hợp nhất, nâng cao sức đề kháng tự nhiên của heo, … nhờ vậy kiểm soát tốt bệnh lý do APP và PM.
Các yếu tố môi trường có nguy cơ cao làm gia tăng sự lây truyền và mức độ nghiêm trọng của bệnh do APP và PM bao gồm: chất lượng không khí kém (nồng độ khí độc NH3, CO2 cao, nồng độ O2 thấp), thông thoáng kém, biên độ dao động nhiệt độ ngày và đêm lớn, quy trình nuôi liên tục, trộn chung nhiều bầy, mật độ nuôi cao, tiếp xúc giữa heo các lứa tuổi... Các trại cần chú ý thường xuyên đánh giá tất cả các yếu tố nguy cơ ở từng khu chuồng, xác định nguyên nhân (mật độ nuôi, thiết kế chuồng, hệ thống làm lạnh, quạt hút, bụi bẩn, hệ thống thoát chất thải, màn che…), và tiến hành các biện pháp thích hợp, xử lý, khắc phục càng nhanh càng tốt các yếu tố nguy cơ không đạt yêu cầu.
Thực hiện và quản lý tốt quy trình cùng vào – cùng ra, vệ sinh – tiêu độc định kỳ, điều kiện tiểu khí hậu chuồng trại phù hợp, chăm sóc – nuôi dưỡng đàn heo tốt… có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của chiến lược kiểm soát APP, PM trên đàn heo.
2. Vaccine trong kiểm soát APP, PM
2.1 Yêu cầu đối với vaccine
APP và PM đều là những vi khuẩn có nhiều serotype khác nhau. Ngoài các yếu tố kết bám trên đường hô hấp, vi khuẩn còn sản sinh độc tố, enzyme phá huỷ mô, gây chết tế bào miễn dịch… Để bảo vệ heo, cơ thể cần phải có kháng thể trung hòa độc tố và ngăn chặn sự kết bám của chống lại APP và PM. Vaccine có hiệu quả cao trong phòng chống bệnh do APP và PM cần đạt được các tiêu chí sau:
2.2 Các loại vaccine APP và PM
Vaccine APP và PM về cơ bản được chia thành 3 loại: vaccine vô hoạt toàn khuẩn, vaccine vi khuẩn sống nhược độc và vaccine không tế bào (kháng nguyên là các độc tố vô hoạt, protein vỏ capsule, protein màng ngoài của vi khuẩn, yếu tố kết bám…).
Tuy mức độ hiệu quả của các loại vaccine APP và PM có khác nhau, tất cả các loại vaccine đều có hiệu quả làm giảm bệnh lý lâm sàng, tỷ lệ bệnh, tỷ lệ chết, nhưng đều có hạn chế chung đó là không loại trừ được hoàn toàn tình trạng mang trùng, cũng như thể bệnh mãn tính (Susan E. H., 2005).
2.3 Hiệu quả của các loại vaccine trong kiểm soát APP và PM trên heo
Tiêm phòng vaccine APP hay PM có thể làm giảm tỷ lệ viêm phổi - màng phổi ở heo, giúp làm giảm đáng kể chi phí điều trị bệnh do APP và PM trên đàn heo.
2.3.1 Vaccine vô hoạt toàn khuẩn
Hiệu quả tiêm vaccine phụ thuộc vào loài vật, tuổi, liều tiêm, đường tiêm, chất bổ trợ và số lần tiêm vaccine, và sự phù hợp giữa kiểu kháng nguyên vaccine và thực địa.
Vaccine vi khuẩn vô hoạt APP có hạn chế lớn về khả năng bảo hộ chéo đối với các serotype khác với serotype của kháng nguyên vaccine (Mostaan et al., 2020, Antenucci et al., 2018). Vaccine APP vô hoạt toàn khuẩn không tạo được kháng thể trung hòa độc tố của Apx, yếu tố độc lực quan trọng của APP gây bệnh và gây chết heo.
Tương tự, vaccine vô hoạt toàn khuẩn PM không có hiệu quả cao trong kiểm soát bệnh viêm teo xoang mũi truyền nhiễm hay viêm phổi do PM vì không tạo được kháng thể trung hòa độc tố của PM. Tuy nhiên, theo De Jong et al., (1987), ở các trại quản lý đàn và điều kiện chuồng trại tốt, heo con từ nái được tiêm 3 mũi vaccine vô hoạt toàn khuẩn đa giá chứa kháng nguyên vi khuẩn B. bronchiseptica và PM đã được bảo vệ chống lại bệnh viêm teo mũi và viêm phổi do PM.
Vaccine đa giá phòng bệnh APP và PM cũng đã được chứng minh là có hiệu quả tốt. Tại Việt Nam, thử nghiệm vaccine đa giá vô hoạt nhũ dầu gồm APP serotype 2, 5a, 5b; PM serotype A, D và S. suis type 2, cho thấy heo được tiêm vaccine sau 5 tháng vẫn có hiệu giá kháng thể huyết thanh đủ để chống lại vi khuẩn APP serotype 2, 5a, 5b; P. multocida serotype A, D và S. suis serotype 2 (Đỗ Tất Đạt và ctv., 2019).
2.3.2 Vaccine độc tố vô hoạt, tiểu phần hoặc kết hợp
Vaccine chứa các kháng nguyên độc tố vô hoạt, tiểu phần (protein màng ngoài, kháng nguyên capsular polysaccharide, lipopolysaccharide, và hemolysin protein hoặc kết hợp) của APP tạo được bảo hộ chéo giữa các serotype và giúp làm giảm bệnh tích phổi do APP (Madsen et al., 1995; Byrd et al., 1992; Antenucci et al., 2018; Sassu et al., 2018; Mortensen et al., 2021).
Kháng thể trung hòa độc tố Apx sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng lâm sàng của bệnh, tuy vậy cũng không thể loại trừ hoàn toàn sự lưu nhiễm, tình trạng mang trùng hay bệnh lý APP mãn tính ở đàn heo (Antenucci et al., 2018; Sassu et al., (2018). Kháng thể trung hòa độc tố Apx có tác dụng bảo vệ các bạch cầu trung tính (neutrophils) khỏi sự phá huỷ bởi độc tố của APP và dẫn đến làm tăng hiệu quả thực bào, tăng cường khả năng loại trừ APP khỏi heo nhiễm (Ramjeet et al., 2008).
Theo Satrán et al., (2003), Vaccine APP vô hoạt toàn khuẩn tạo được miễn dịch bảo hộ kém hơn nhiều so với vaccine độc tố Apx vô hoạt (ApxI, ApxII, ApxIII) kết hợp protein màng ngoài của APP, với tỷ lệ sống khi bị gây nhiễm APP ở 2 tuần sau khi tiêm vaccine mũi thứ 2, tương ứng là 71,4% và 100%, so với heo không được tiêm vaccine chỉ có tỷ lệ sống là 14,3% (Hình 2). Tuy nhiên, cả 2 loại vaccine đều không loại trừ hoàn toàn APP trên heo nhiễm.
Tiêm phòng vaccine độc tố vô hoạt của PM cho nái sẽ tạo được miễn dịch bảo hộ rất tốt, không chỉ cho nái mà cả cho heo con của chúng, sẽ giúp bảo vệ heo con theo mẹ khỏi bị nhiễm PM, giảm thiểu bệnh lý viêm teo xoang mũi và viêm phổi do PM trên đàn heo (Gu et al., 2017; Liao et al., 2006; Kristensen et al., 2004; Foged et al., 1989), giúp heo con chống lại sự xâm nhiễm của PM ở giai đoạn sớm, giảm tỷ lệ heo dương tính với PM và số lượng vi khuẩn PM trong dịch mũi heo 5 và 8 tuần tuổi (Nielsen et al., 1991; Sundberg et al., 1996), cũng như có trọng lượng xuất chuồng cao hơn so với heo con từ nái không được tiêm vaccine (Nielsen et al., 1991). Kháng thể mẹ truyền có thể bảo vệ heo con không bị nhiễm sớm PM ở giai đoạn theo mẹ và cho đến lúc 8 tuần tuổi (Sundberg et al., 1996).
Vaccine đa giá vô hoạt toàn khuẩn kết hợp với kháng nguyên độc tố vô hoạt của PM làm giảm đáng kể bệnh viêm teo mũi truyền nhiễm ở heo, tăng trưởng tốt hơn so với heo không được tiêm vaccine (Kang et al., 2008), thời gian xuất chuồng rút ngắn được 2 tuần so với heo con sinh ra từ nái không được tiêm vaccine (Hsuan et al., 2009).
Tại Việt Nam, theo Nguyễn Tất Toàn và ctv. (2013), tiêm vaccine Suigen Donoban 10, vaccine đa giá vô hoạt toàn khuẩn APP, PM và Mycoplasma hyopneumoniae kết hợp với độc tố vô hoạt của APP và PM, trên nái và heo con đã tạo được miễn dịch tốt ở heo và cải thiện rõ tỷ lệ heo bị bệnh hô hấp, tổn thương phổi, cũng như tăng trọng trung bình và FCR ở heo choai cũng như heo xuất chuồng.
2.4. Miễn dịch mẹ truyền và hiệu quả tiêm phòng vaccine APP, PM
Kháng thể mẹ truyền có thể bảo vệ heo con theo mẹ chống lại bệnh do APP và PM, nhưng có thể ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng đối với vaccine phòng bệnh APP và PM ở heo con (Jirawattanapong et al., 2008; Tamiozzo et al., 2018).
Thời gian kháng thể mẹ truyền được duy trì trong cơ thể heo con biến động rất nhiều. Khảo sát ghi nhận sự tồn tại của kháng thể mẹ truyền ở heo con thay đổi tuỳ theo trại, từ 2 đến 12 tuần tuổi (Cruijsen et al., 1995; Sassu et al., 2018), 10 tuần tuổi (Jirawattanapong et al., 2008), hoặc chỉ đến 2 – 8 tuần tuổi (Vigre et al., 2003). Heo con sinh ra từ nái có kháng thể chống lại APP cao sẽ tạo được đáp ứng miễn dịch sau nhiễm APP mạnh hơn so với heo con sinh ra từ nái có kháng thể chống lại APP thấp (Sassu et al., 2018).
Sự không đồng nhất về mức thời gian duy trì và ảnh hưởng của kháng thể mẹ truyền ở heo con đối với đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng vaccine APP cho thấy, các trại cần cân nhắc lựa chọn thời điểm tiêm vaccine APP phù hợp theo đặc điểm dịch tễ và miễn dịch của đàn heo tại Trại. Nhìn chung, từ 8 – 10 tuần tuổi, kháng thể mẹ truyền đặc hiệu với APP và PM giảm mạnh, heo vỗ béo, heo thịt trên các đàn heo lưu nhiễm APP và PM sẽ có nguy cơ cao bị bệnh do APP và PM. Tiêm phòng vaccine APP mũi đầu tiên cho heo khoảng 8 – 10 tuần tuổi có lẽ là phù hợp đối với các đàn heo có tình trạng lưu nhiễm APP (Jirawattanapong et al., 2008; Vigre et al., 2003). Vì thế, quản lý tốt miễn dịch đàn sẽ giúp Trại lựa chọn thời điểm tiêm phòng phù hợp nhất, đảm bảo hiệu quả cao trong tiêm vaccine phòng bệnh.
3. Kháng sinh trong kiểm soát APP, PM
Heo được tiêm vaccine APP và PM vẫn có thể bị viêm phổi do APP và PM hay các tác nhân gây bệnh viêm phổi đồng nhiễm khác. Vì thế, tại các trại có tình trạng viêm phổi – màng phổi mãn tính, tốt hơn nên tiêm vaccine APP kết hợp với sử dụng kháng sinh ở những thời điểm nguy cơ. Việc sử dụng kháng sinh để kiểm soát bệnh do APP và PM tuy có ưu điểm là dễ áp dụng, cũng có nhiều hạn chế:
(1) Kháng sinh sẽ làm giảm triệu chứng lâm sàng ở heo bệnh, nhưng không loại trừ hoàn toàn tình trạng heo mang trùng và bệnh mãn tính;
(2) Hiệu quả thấp đối với dạng bệnh lý mãn tính, do sự hình thành màng biofilm của vi khuẩn trên bề mặt niêm mạc phổi;
(3) Gây nên tình trạng đề kháng kháng sinh ở vi khuẩn APP, PM và các vi khuẩn đồng nhiễm;
(4) Nguy cơ tồn dư kháng sinh trong sản phẩm từ heo, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng;
(5) Chi phí cao.
Hầu hết các trại tại Việt Nam chọn biện pháp bổ sung kháng sinh vào trong thức ăn hoặc nước uống để phòng – trị bệnh do APP và PM cho heo. Biện pháp này chỉ có hiệu quả thực sự khi hàm lượng kháng sinh trong máu, mô phổi đạt được ngưỡng điều trị APP và PM. Muốn vậy, việc cấp kháng sinh cho heo qua thức ăn – nước uống để phòng – trị bệnh do APP và PM phải đáp ứng được các yêu cầu sau: (1) Kháng sinh được sử dụng phải có khả năng hấp thu tốt qua ruột; (2) Heo phải ăn đủ lượng thức ăn với liều kháng sinh đúng theo khuyến cáo. Tuy nhiên, trên thực tế, heo bệnh do APP và PM ngay cả khi chưa có biểu hiện lâm sàng rõ, hoặc khi thời tiết nóng, thường giảm ăn, giảm uống, vì thế sẽ không thể ăn hoặc uống đủ lượng kháng sinh đạt hiệu quả phòng – trị cao.
Tại Việt Nam, rất nhiều loại kháng sinh được các trại sử dụng trong phòng – trị bệnh lý hô hấp ở heo như: amoxicillin, tetracycline, oxytetracycline, chlortetracycline, doxycycline, lincomycin, spectinomycin, gentamicin, kanamycin, ceftiofur, cefotaxime, ceftriaxone, ciprofloxacin, danofloxacin, enrofloxacin, marbofloxacin, florfenicol, tiamulin, tilmicosin, tildipirosin, tulathromycin…
Nhiều nghiên cứu tại Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng đề kháng và đa đề kháng của vi khuẩn PM đối với kháng sinh, nhất là với các kháng sinh amoxicillin, tetracycline, penicillin G (Vũ Khắc Hùng và ctv., 2020; Nguyễn Quang Tính và ctv., 2020). Khảo sát của Phan Kim Thanh và ctv., (2017) cho thấy APP phân lập được trên heo đề kháng với các loại kháng sinh sau: amoxicillin, streptomycin, gentamicin, ampicillin và colistin. Hiện tượng đa đề kháng với ít nhất 4 đến 9 loại kháng sinh gồm florfenicol, tetracycline, ampicillin, amoxicillin, bactrim, norfloxacin, neomycin, tobramycin, streptomycin của APP cũng đã được báo cáo (Phan Kim Thanh và ctv., 2018).
Hiện tượng đề kháng và đa đề kháng kháng sinh của APP và PM cũng đã được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới. Theo Sassu et al., 2018, có sự gia tăng đề kháng kháng sinh với tetracycline, chlortetracycline, oxytetracycline, penicillins, trimethoprim-sulphonamides, chloramphenicol, spectinomycin, lincomycin, spiramycin, erythromycin, tilmicosin và gentamicin. Tại Ấn độ, ghi nhận 100% chủng PM đề kháng với ceftizoxim, cephalexin và cloxacillin (Tigga et al., 2014). Hay tại Trung quốc, ghi nhận tỷ lệ chủng PM đa kháng với ít nhất 5 loại kháng sinh tăng dần qua các năm từ 2003 – 2007; 47,8% năm 2003; 54,1% năm 2004; 57, 6% năm 2005; 81,6% năm 2006 và 97,1% năm 2007. Đặc biệt tỷ lệ các chủng PM đa đề kháng với ít nhất 7 loại kháng sinh gia tăng mạnh, từ 16,2% năm 2003 lên 62,8% năm 2007 (Tang và ctv, 2009).
Cần lưu ý là việc sử dụng kháng sinh trong phòng – trị APP và PM không chỉ làm gia tăng sự đề kháng kháng sinh ở vi khuẩn gây bệnh phải điều trị, mà kể cả ở những vi khuẩn khác. Kaspersen et al., (2020) đã ghi nhận ngay cả khi chỉ điều trị APP cho heo một lần bằng enrofloxacin cũng gây nên tình trạng đề kháng kháng sinh này ở vi khuẩn E. coli trong một thời gian dài.
Về cơ bản, để việc sử dụng kháng sinh có hiệu quả trong phòng – trị bệnh do APP và PM, hạn chế sự đề kháng kháng sinh cần lưu ý những điểm cơ bản sau: (1) Xác định đúng thời điểm đàn heo nhạy cảm với APP và PM (theo thời tiết, theo quy trình quản lý đàn của trại) để sử dụng kháng sinh; (2) Can thiệp điều trị càng sớm càng tốt, khi chỉ mới bắt đầu có dấu hiệu bệnh trên một số ít heo; (3) Lựa chọn đúng kháng sinh (vi khuẩn còn nhạy cảm cao), phù hợp theo đường cấp nhằm đảm bảo hàm lượng kháng sinh cao trong máu và trong mô phổi; (4) Sử dụng kết hợp kháng sinh; (4) Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng và môi trường đối với bệnh do APP và PM.
Kết luận
APP và PM là những vi khuẩn hội sinh trên đường hô hấp của heo. Phần lớn các trại heo thuộc dạng lưu nhiễm và heo mang trùng là nguồn lưu cữu, bài thải và lây truyền APP và PM trong trại. Một chiến lược hiệu quả cần được xây dựng và thực hiện đồng bộ theo 3 nhóm giải pháp: An toàn sinh học, tiêm phòng vaccine APP – PM và sử dụng kháng sinh phòng bệnh tại các thời điểm nguy cơ.
- An toàn sinh học: áp dụng nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học, quy trình chăm sóc – nuôi dưỡng, kiểm soát các yếu tố gây stress, các yếu tố nguy cơ. Trại cần đầu tư không chỉ cơ sở vật chất, trang thiết bị, mà cả về lực lượng kỹ thuật viên có chất lượng tay nghề và trách nhiệm cao.
- Sử dụng kháng sinh để phòng – trị bệnh do APP và PM: Thực hiện theo nguyên tắc 3 đúng: đúng thời điểm (càng sớm càng tốt, giai đoạn nguy cơ) – đúng kháng sinh (hấp thu tốt vào máu, mô phổi, vi khuẩn nhạy cảm cao) – đúng liệu trình (1 tuần trước và 1 tuần sau thời điểm nguy cơ).
- Tiêm phòng vaccine: Giải pháp hợp lý nhất đối với các Trại heo có vấn đề về APP và PM. Vaccine toàn khuẩn APP và PM vô hoạt kết hợp độc tố vô hoạt của APP và PM là lựa chọn tốt nhất cho giải pháp miễn dịch kiểm soát bệnh do APP và PM. Tiêm vaccine trên cả nái và heo sau cai sữa sẽ giúp kiểm soát hiệu quả bệnh do APP và PM ở thể cấp, cũng như ở thể mãn ở tất cả các nhóm heo.