Minh chứng về hiệu quả của Tulathromycin đối với các bệnh hô hấp ở lợn

Score5 (1 Votes)

Tổng quan bệnh hô hấp ở lợn

Bệnh hô hấp ở lợn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong và tổn thất trong chăn nuôi. Có nhiều tác nhân gây bệnh hô hấp ở lợn nhưng phổ biến bao gồm vi rút gây hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRSv), Mycoplasma hyopneumoniae, vi rút circo type 2 (PCV2), Bordetella bronchiseptica, Haemophilus parasuis, Actinobacillus pleuropneumoniae, Pasteurella multocida, Streptococcus suis,…. Các tác nhân này thường đồng nhiễm với nhau và gây ra bệnh hô hấp gọi là bệnh hô hấp phức hợp ở lợn (heo bị hô hấp phức hợp).

Kháng sinh Tulathromycin điều trị bệnh hô hấp trên lợn

Kháng sinh Tulathromycin được cho là vượt trội hơn các kháng sinh khác trong điều trị các bệnh hô hấp ở lợn do tác dụng nhanh chóng vào mô phổi. Ngoài các đặc tính kháng khuẩn, Tulathromycin thể hiện tác dụng điều hòa miễn dịch và chống viêm trong các nghiên cứu thực nghiệm.

Ở tế bào bạch cầu đa nhân trung tính của lợn (PMNs; bạch cầu trung tính), tulathromycin thúc đẩy quá trình apoptosis (tế bào chết theo chương trình) và đào thải tế bào chết bởi đại thực bào.

Chính vì vậy, tulathromycin là kháng sinh duy nhất được đăng ký dưới dạng công thức tiêm một mũi để điều trị và điều trị dự phòng đối với tất cả các mầm bệnh PRDC chính, với độ an toàn đã được chứng minh và thời gian ngừng thuốc phù hợp với chăn nuôi lợn.

Hiệu quả của Tulathromycin đối với Actinobacillus pleuropneumoniae

Actinobacillus pleuropneumoniae là một trong những tác nhân vi khuẩn chính gây viêm phổi màng phổi ở lợn. Người ta đã báo cáo rằng chỉ cần 100 vi khuẩn có thể gây áp xe phổi và 10.000 vi khuẩn có thể giết chết một con lợn trong vòng chưa đầy 12 giờ (theo Schultz, 1985). Viêm phổi màng phổi nếu chỉ ở dạng cận lâm sàng cũng đã làm lợn bỏ ăn dẫn đến giảm đáng kể khả năng chuyển đổi thức ăn và tăng trọng hàng ngày (Straw và cộng sự 1989, 1990; Rohrback và cộng sự, 1993). Lợn bị viêm phổi ước tính làm giảm mức tăng trọng trung bình hàng ngày 37g cho mỗi 10% phổi bị ảnh hưởng, làm chậm thời gian xuất chuồng từ 4 đến 6 tuần (Straw và cộng sự, 1990).

Một thử nghiệm đánh giá về tác dụng kéo dài của Tulathromycin đối với APP của Waag cộng sự, 2008 như sau: Bố trí gồm 05 nhóm điều trị và 01 nhóm đối chứng. Ở 5 nhóm điều trị này lần lượt phân thành tiêm Tulathromycin với liều 2.5mg/kg TT bằng đường tiêm bắp một lần duy nhất trước ngày công cường độc 11 ngày, 9 ngày, 7 ngày, 5 ngày và 3 ngày. Sau khi công cường độc 07 ngày tiến hành mổ khám, xem bệnh tích phổi.

Kết quả cho thấy sau khi công cường độc ở nhóm đối chứng có đến 1/3 số lợn con chết. Ở nhóm điều trị bằng Tulathromycin 09 ngày trước công cường độc, tỷ lệ tử vong giảm đáng kể và tỷ lệ tổn thương phổi giảm đáng kể so với nhóm điều trị bằng Tulathromycin 05 ngày trước ngày công cường độc. Đối với nhóm điều trị bằng Tulathromycin 03 ngày trước khi công cường độc (giống điều trị dự phòng) thì tỷ lệ tử vong rất thấp (1/40 lợn con) và tổn thương phổi hạn chế (10%).

Tỷ lệ chết.jpg

Hiệu quả của Tulathromycin đối với Mycoplasma hyopneumoniae

Năm 2020, Carroll và cộng sự thực hiện một thí nghiệm về hiệu quả của tulathromycin đối với heo khi công cường độc Mycoplasma hyopneumoniae. Thử nghiệm trên 03 nhóm: nhóm điều trị với Tulathromycin, nhóm điều trị với Tildipirosin và nhóm tiêm dung dịch nước muối, mỗi nhóm gồm 32 heo con. Tiến hành công cường độc trước khi tiêm kháng sinh 6 và 7 ngày và 28 ngày sau tiêm, tiến hành mổ khám để xem tổn thương phổi.

Kết quả cho thấy cả 2 nhóm được điều trị với tulathromycin và tildipirosin có tổn thương phổi do công cường độc M.hyopneumoniae gây ra được giảm đáng kể. Đặc biệt, tổn thương phổi ở nhóm được tiêm Tulathromycin thấp hơn rất nhiều so với nhóm điều trị bằng Tildipirosin.

Tổn thương phổi.jpg

Hiệu quả của Tulathromycin đối với tai xanh (PRRS)

Hiệu quả của Tulathromycin trên đàn heo cai sữa từ những nái mẹ dương tính với tai xanh (PRRS). Heo con cai sữa từ trang trại nái dương tính với PRRS được phân bổ ngẫu nhiên mỗi chuồng vào một nhóm và được điều trị bằng tulathromycin hoặc tilmicosin (30 chuồng cho mỗi nhóm).

  • Nhóm điều trị bằng Tulathromycin: 2,5 mg/kg tiêm bắp một lần

  • Nhóm điều trị bằng Tilmicosin: 17,6 mg/kg/ngày trong 21 ngày trong nước uống.

Theo dõi 6 tuần ở chuồng cai sữa cho thấy tỷ lệ tử vong giảm đáng kể và giảm số lượng điều trị bằng kháng sinh bổ sung ở nhóm tulathromycin so với nhóm điều trị bằng tilmicosin.

Tulathromycin.jpg

Theo Carroll và cộng sự, 2020

Lưu ý: Sự khác biệt giữa các phương pháp điều trị có thể là do sự khác biệt về hoạt tính kháng khuẩn (cho phép điều trị các bệnh nhiễm trùng thứ cấp liên tiếp với nhiễm PRRS), hoặc sự khác biệt về tác dụng điều hòa miễn dịch, tulathromycin có tác dụng điều hòa miễn dịch đặc biệt đối với các đại thực bào phế nang của heo bị nhiễm PRRSV (Theo Desmonts và cộng sự, 2019).

Hiệu quả của Tulathromycin đối với Streptococcus suis

Streptococcus suis là một trong những tác nhân gây bệnh quan trọng nhất trong ngành chăn nuôi lợn, gây ra nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm khớp và viêm phổi, dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn trên toàn thế giới (Feng và cộng sự, 2014; Goyette-Desjardins và cộng sự, 2014). Nhìn chung, penicillin được sử dụng để điều trị và kiểm soát các bệnh nhiễm trùng do S. suis. Tuy nhiên, các chủng S. suis dần kháng với penicillin và các kháng sinh β-lactam khác đã được báo cáo (Lun và cộng sự, 2007). Do đó, cần có các loại kháng sinh mới hoặc các chiến lược điều trị hiệu quả chống lại nhiễm trùng S. suis một cách cấp thiết.

Theo của Yu-Feng Zhou và cộng sự, 2017, nghiên cứu về dược động học và dược lực học của tulathromycin trong điều kiện thực địa đối với nhiễm trùng S. suis ở lợn con cho thấy thời gian bán thải tương đối dài (74,1 giờ) và thời gian lưu trữ trung bình là 97,6 giờ sau một lần tiêm bắp duy nhất. Nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) và nồng độ diệt khuẩn trong huyết thanh thấp hơn đáng kể so với nồng độ trong môi trường nuôi cấy nước canh, với tỷ lệ nước dùng Mueller-Hinton/huyết thanh lần lượt là 40,3 và 11,4. Tác dụng sau kháng sinh là 1,27 giờ (1× MIC) và 2,03 giờ (4× MIC) và các giá trị tác dụng dưới MIC sau kháng sinh dao động từ 2,47 đến 3,10 giờ. Tỷ lệ diện tích dưới đường cong nồng độ thời gian chia cho MIC (AUC/MIC) tương quan tốt với hiệu quả kháng khuẩn trong ex vivo của tulathromycin (R2 = 0,9711). Dựa trên kết quả mô phỏng Monte Carlo, phác đồ liều dùng 3,56 mg/kg tulathromycin được ước tính là có hiệu quả, đạt được hoạt tính kìm khuẩn chống lại nhiễm trùng S. suis trong thời gian 5 ngày. Tulathromycin có thể trở thành một lựa chọn tiềm năng để điều trị nhiễm trùng S. suis.

Tulathromycin là kháng sinh có phổ kháng khuẩn bao gồm hầu hết các vi khuẩn chính gây bệnh hô hấp như: Mycoplasma hyopneumoniae, Actinobacillus pleuropneumoniae, Pasteurella multocida, Bordetella bronchiseptica, Haemophilus parasuis. Trong khi đó, các kháng sinh cùng nhóm macrolide khác như tildipirosin, gamithromycin lại không hiệu quả đối với Mycoplasma hyopneumoniae.

Bệnh hô hấp trên heo.jpg

Hiệu quả của Tulathromycin đối với các mầm bệnh hô hấp SRD

Một thí nghiệm trên 369 heo mắc bệnh hô hấp ở điều kiện thực địa châu Âu (các mầm bệnh được phân lập từ heo (Mh/App/Pm) chưa được điều trị ở các trại khác nhau. 03 nhóm điều trị bằng đường tiêm bắp với 03 loại kháng sinh khác nhau

  • Nhóm 1: Tulathromycin (2.5 mg/kg, một mũi duy nhất)
  • Nhóm 2: Tiamulin (15 mg/kg/ngày trong 03 ngày)
  • Nhóm 3: Florfenicol (15mg/kg 2 lần mỗi 48 giờ)

Kết quả cho thấy, hiệu quả lâm sàng khi điều trị bằng 01 mũi Tulathromycin cao hơn đáng kể so với điều trị bằng 02 kháng sinh khác 

Kháng sinh.jpg

Hình: Hiệu quả lâm sàng khi điều trị bằng 01 mũi Tulathromycin cao hơn đáng kể so với điều trị bằng 02 kháng sinh khác

Theo Najiami và cộng sự, 2005

Kết luận

Tulathromycin đã được chứng minh là có hiệu quả ở liều lượng khuyến cáo (2,5 mg/kg theo đường tiêm bắp, tiêm một lần duy nhất) trong điều kiện công cường độc hoặc thực địa ở cả Châu Âu và Bắc Mỹ chống lại các tác nhân gây bệnh vi khuẩn PRDC chính (Mh, App, Pm, Bb, Hps).

Hiệu quả lâm sàng tốt hơn so với các sản phẩm thương mại từ nhiều nhóm kháng sinh khác nhau (macrolide, β-lactam, amphenicols) cũng đã được chứng minh trong nhiều trường hợp khác nhau đối với tulathromycin ở lợn.

Tính an toàn của tulathromycin ở lợn đã được chứng minh trong các nghiên cứu thực địa với liều lượng khuyến cáo và được xác nhận bởi tiêu chuẩn châu Âu (EU SPC), trong đó tác dụng phụ duy nhất được báo cáo là phản ứng tại chỗ tiêm trong khoảng 30 ngày sau khi tiêm (bao gồm các thay đổi có thể hồi phục của tình trạng sung huyết, phù nề, xơ hóa và xuất huyết).

Vote for this content: 5 4 3 2 1