PCV2 thể cận lâm sàng, ác mộng của nhà chăn nuôi

Score4,9 (9 Votes)

PCV2 thể cận lâm sàng, ác mộng của nhà chăn nuôi

Ngoài những thể bệnh với các triệu chứng lâm sàng khá rõ ràng, thể bệnh cận lâm sàng do PCV2 gây thiệt hại kinh tế lớn, nhưng lại không có những triệu chứng để có thể chẩn đoán được về mặt lâm sàng, và đôi khi cả bằng phương pháp xét nghiệm.

 

Heo mắc PCV2 thể cận lâm sàng có tình trạng PCV2 máu thấp, không có các bệnh tích đặc trưng của bệnh do PCV2, và có đáp ứng miễn dịch kém đối với vắc-xin phòng bệnh PRRS, cũng như dễ mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh khác.

Về cơ bản, theo J. Segalés, 2012, việc xác định tình trạng nhiễm PCV2 cận lâm sàng tại các trại heo có thể dựa trên 3 tiêu chí: (i) giảm tăng trọng trung bình ngày và không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng; (ii) không hoặc chỉ có ở mức độ nhẹ bệnh tích vi thể do PCV2; (iii) PCV2 chỉ hiện diện trong mô bệnh với số lượng thấp.

f.jpg

Heo nhiễm PCV2 thể cận lâm sàng thường không có triệu chứng điển hình, vì thế rất khó để có thể chẩn đoán thông qua lâm sàng, kể cả với bác sỹ thú y và chuyên gia.  Những heo này vẫn có tình trạng nhiễm PCV2 máu, bài thải và lây truyền PCV2 qua phân, dịch tiết…

Các trại heo có tình trạng nhiễm PCV2 thể cận lâm sàng sẽ có tỷ lệ dương tính với PCV2 và lượng PCV2 máu thấp hơn so với ở các trại nhiễm PCV2 lâm sàng. Nghiên cứu cho thấy, lượng PCV2 máu ở heo tại trại nhiễm PCV2 thể cận lâm sàng dao động thường ở mức dưới 10⁶ bản sao PCV2/ ml máu, trong khi chỉ số này ở trại nhiễm PCV2 lâm sàng luôn ở mức cao hơn 106 bản sao PCV2/ ml máu (Gonzalo L. L. et all, 2019).

             final.jpg     

                   Sự khác nhau về số lượng bản sao PCV2 trong máu

Ở thể cận lâm sàng, heo nhiễm PCV2 có thể vẫn khoẻ mạnh, nhưng là vật mang trùng, lưu cữu, bài thải và lây truyền PCV2 trong trại. Điều này gây khó khăn rất lớn cho người chăn nuôi trong kiểm soát dịch bệnh. Trong trường hợp trại có vấn đề về quản lý (dinh dưỡng, chuồng trại, chăm sóc đàn, các yếu tố stress do môi trường…), các bệnh lý cơ hội khác, và kể cả PCV2 sẽ gia tăng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ngoài ra, thể cận lâm sàng do PCV2 có thể ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của heo, kéo dài thời gian xuất chuồng… làm gia tăng thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.

Nghiên cứu của P. Alarcon, 2013 tại Anh đã ước tính, thiệt hại do heo chết vì thể cận lâm sàng của PCV2 là 82,3 bảng Anh*/ heo, gần tương đương khi heo chết do PCV2 thể PMWS với 84,1 bảng Anh/ heo. Trong khi đó, thiệt hại do PCV2 thể cận lâm sàng nếu heo còn sống đến xuất chuồng là 8,1 bảng Anh/ heo, so với thiệt hại do heo bị PMWS nhưng hồi phục bình thường là 24,5 bảng Anh/ heo.

Thiệt hại do heo chết vì thể cận lâm sàng của PCV2 là 82,3 bảng Anh/ heo (P. Alarcon, 2013)

Như vậy có thể thấy thiệt hại kinh tế trực tiếp do sự kém tăng trưởng của heo do PCV2 thể cận lâm sàng gây ra ở mức độ đáng kể và sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu có các yếu tố bội nhiễm khác.

0001-1.jpg

*Bảng Anh = 28.400 VND (04/2020)

DAPP: khác biệt về giá heo theo trọng lượng quầy thịt

PMWS: PCV2 thể còi cọc sau cai sữa

PCV2SI: PCV2 thể cận lâm sàng

 Thiệt hại kinh tế do PCV2 thể cận lâm sàng. Pablo Alarcon, 2013

Tuy nhiên, ở quy mô trại, thiệt hại kinh tế do PCV2 thể cận lâm sàng có thể cao hơn so với PCV2 thể toàn thân vì sự giảm tăng trọng, kéo dài thời gian xuất chuồng, cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tiêm phòng. Trên đàn heo nhiễm PCV2 thể cận lâm sàng, hiệu quả tiêm phòng vắc-xin PRRS giảm rõ rệt. Heo được tiêm vắc-xin PRRS nếu nhiễm PCV2 thể cận lâm sàng sẽ có bệnh lý và bệnh tích phổi (T. Opriessnig et al., 2006).

Trên đàn heo nhiễm PCV2 thể cận lâm sàng, hiệu quả tiêm phòng vắc- xin PRRS giảm rõ rệt (T. Opriessnig và cs, 2006)

Theo Salvador O. F. et al., 2016, ở thể cận lâm sàng, PCV2 trong máu sẽ tăng dần cho đến 10 – 14 tuần tuổi và bài thải một lượng lớn PCV2 qua phân, dịch tiết, lây nhiễm cho đàn heo và làm gia tăng tỷ lệ heo dương tính với PCV2, ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ chung của đàn. Việc tiêm vắc-xin ở giai đoạn 3 – 6 tuần tuổi có thể làm giảm tình trạng vi-rút huyết và sự bài thải, lây truyền của PCV2 thể cận lâm sàng.

Như vậy, so với các thể bệnh khác do PCV2 (Hội chứng còi cọc sau cai sữa, Hội chứng viêm da – thận ở heo, bệnh lý hô hấp, bệnh lý sinh sản, bệnh lý đường ruột) có thể chẩn đoán dễ dàng qua quan sát lâm sàng và xét nghiệm, thể cận lâm sàng do PCV2 gần như không thể phát hiện nếu không có quy trình quản lý, theo dõi đàn chặt chẽ.

Nếu các thể bệnh khác của PCV2 được xem là phần nổi của tảng băng, thì thể cận lâm sàng do PCV2 chính là phần chìm của tảng băng, thiệt hại rất khó để có thể ước đoán và lường trước. Thực hiện an toàn sinh học, quản lý đàn tốt và tiêm phòng vắc-xin có thể giúp hạn chế tối đa thiệt hại do PCV2 thể cận lâm sàng gây ra.

39d55c72afaf52f10bbe-resize594x418.jpg

Thể cận lâm sàng do PCV2 chính là phần chìm của tảng băng, thiệt hại rất khó để có thể ước đoán và lường trước.

 

PGS. TS Nguyễn Ngọc Hải

Bộ môn Vi sinh & Bệnh truyền nhiễm Thú Y - Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Pablo Alarcon, Jonathan Rushton, Barbara Wieland, 2013. Cost of post-weaning multi-systemic wasting syn- drome andporcine circovirus type-2 subclinical infection in England –An economic disease model. Preventive Veter- inary Medicine, 110, 88– 102.
  2. Salvador Oliver Ferrando, Joaquim Segalés, Sergio López Sori, Antonio Callén, Olivier Merdy, François Joisel and Marina Sibila., 2016.Evaluation of natural porcine circovirus type 2 (PCV2) subclinical infection and seroconver- sion dynamics in piglets vaccinated at different ages. Vet Res 47:121.
  3. López-Lorenzo, G., Díaz-Cao, J.M., Prieto, A. et al., 2019.Environmental distribution of Porcine Circovirus Type 2 (PCV2) in swine herds with natural infection. Sci Rep9. https://doi.org/10.1038/s41598-019-51473-6.
  4. T. Opriessnig, N. E. McKeown, K. L. Harmon, X. J. Meng and P. G. Halbur, 2006. Porcine Circovirus Type 2 Infec- tion Decreases the Efficacy of a Modified Live Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome Virus Vaccine.Clinical and vaccine immunology, p. 923–929 Vol. 13, No. 8 1556-6811/06/$08.000 doi:10.1128/CVI.00074-06.

(Trích dẫn từ Tạp chí Chăn nuôi 19/04/2020)

Vote for this content: 5 4 3 2 1