Điều trị viêm da tích mủ

Score5 (1 Votes)

Điều trị viêm da tích mủ do tụ cầu khuẩn trên chó trong thời đại kháng kháng sinh

Xác định khái niệm viêm da tích mủ trên chó, tình hình đề kháng kháng sinh trong quá trình điều trị do chủng cầu khuẩn Staphylococcus pseudintermedius (MRSP) và các biện pháp giải quyết vấn đề này.

HIỆN TRẠNG ĐÁNG LO TRONG ĐIỀU TRỊ VIÊM DA TÍCH MỦ TRÊN CHÓ

Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi trong thú y nhiều năm qua đã dẫn đến một hậu quả vô cùng nghiêm trọng làm gia tăng sự phát triển của các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. Gần đây, trên thế giới đã có nhiều báo cáo về chủng vi khuẩn tụ cầu đa kháng được phân lập từ các mẫu bệnh phẩm viêm da tích mủ ở chó. Trong đó, một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra rằng hơn 50% mẫu vi khuẩn được nuôi cấy từ da là tụ cầu kháng với methicillin (MRS), những chủng tụ cầu này bao gồm: Staphylococcus pseudintermedius (MRSP) Staphylococcus aureus (MRSA). May mắn rằng chủng MRSP chỉ gây bệnh trên cho thì phổ biến hơn chủng MRSA chủng mà có khả năng gây bệnh trên người. Vì vậy, bác sĩ thú y cần sử dụng thuật ngữ chính xác khi trao đổi về các ca bệnh nhiễm trùng MRS với khách hàng. Việc gọi sai nhiễm trùng MRSP trên chó là "MRSA" có thể gây lo lắng cho chủ vật nuôi. Khi xét nghiệm trong phòng thí nghiệm phát hiện chủng MRS, vi khuẩn phân lập sẽ có khả năng kháng trên lâm sàng với tất cả các kháng sinh nhóm penicillin, cephalosporin và cũng thường kháng với các nhóm kháng sinh khác.

Trong điều trị viêm da tích mủ ở chó, kháng sinh đầu tay được ưu tiên là nhóm kháng sinh beta-lactam (cephalosporin hoặc penicillin). Nếu đáp ứng điều trị kém thì việc nuôi cấy và kiểm tra độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với kháng sinh là cần thiết. Trên thực tế, hầu hết các chủng MRS trong thú y vẫn nhạy cảm với kháng sinh thông thường như trimethoprim - sulfamethoxazole, clindamycin, hoặc fluoroquinolone (enrofloxacin và marbofloxacin). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không thể dự đoán chắc chắn loại kháng sinh nào được chỉ định thay thế mà không thực hiện xét nghiệm độ nhạy cảm của kháng sinh.

2021-11-23_p3a6150.jpg

TỤ CẦU KHÁNG VỚI METHICILLIN (MRS)

Sự xuất hiện các chủng MRS trong thú y cho thấy các bác sĩ thú y cần phải nỗ lực rất nhiều để sử dụng thuốc kháng sinh một cách an toàn và hiệu quả, cần tìm ra những biện pháp điều trị thay thế kháng sinh nếu có thể, đặc biệt là khi điều trị các bệnh nhiễm khuẩn có khả năng tái phát nhiều lần như viêm da.

Bác sĩ thú y cần hiểu rằng, chúng ta có thể loại bỏ nhiễm trùng tụ cầu trên bề mặt da (kể cả những chủng MRS) bằng cách:

  • Sử dụng các sản phẩm thuốc diệt khuẩn bôi tại chỗ như một phương pháp điều trị chính mà không cần sử dụng tới kháng sinh. Thuốc diệt khuẩn sẽ được sử dụng hàng ngày bôi trực tiếp vùng da bị nhiễm khuẩn, thuốc có tác dụng diệt khuẩn tại chỗ và loại bỏ sự nhiễm trùng trong khoảng 4 tuần hoặc lâu hơn. Các sản phẩm và đã dùng tại chỗ được bào chế để duy trì thời gian dài trên da và dễ dàng cho chủ vật nuôi sử dụng.

  • Đối với các nốt mủ nhỏ, có thể điều trị bằng kem bôi; đối với các vùng da tổn thương rộng hơn, nên sử dụng các sản phẩm dạng xịt hoặc các sản phẩm dầu dưỡng. Một trong các chất diệt khuẩn có hiệu quả được nghiên cứu nhiều nhất là chlorhexidine (2-4%, có hoặc không có thành phần kháng nấm).

Biện pháp điều trị thay thế kháng sinh bằng việc sử dụng các chất diệt khuẩn tại chỗ được khuyến cáo áp dụng cho viêm da có mủ mức độ từ nhẹ đến trung bình. Trong trường hợp nhiễm khuẩn nghiêm trọng cần làm kháng sinh đồ để xác định các kháng sinh mẫn cảm dùng điều trị toàn thân.

Derma 1.jpg

TỔNG KẾT

MRS đang lây lan rất nhanh trong cả nhân y và thú y. Vì vậy cần thực hiện những biện pháp để ngăn ngừa sự lây truyền các chủng MRSP từ vật nuôi này sang vật nuôi khác và ngăn chặn sự lây nhiễm MRSA từ vậy nuôi sang nhân viên thú y. Các biện pháp vệ sinh đã được các chuyên gia khuyến cáo bao gồm:

  • Rửa tay và khử trùng; đeo găng tay khi cần thiết

  • Quần áo bảo hộ, giặt thường xuyên

  • Vệ sinh và khử trùng phòng khám, bệnh viện thú y, đặc biệt là khu vực phòng khám và phòng chờ

  • Truyền thông để nâng cao ý thức của cán bộ thú y viên và chủ vật nuôi.

Ts. Nguyễn Mạnh Tường

  BM: Nội-Chẩn-Dược, Khoa Thú y, HV Nông Nghiệp Việt Nam

Tài liệu tham khảo

  1. Borio, S., Colombo, S., La Rosa, G., De Lucia, M., Damborg, P., & Guardabassi, L. (2015). Effectiveness of a combined (4% chlorhexidine digluconate shampoo and solution) protocol in MRS and nonMRS canine superficial pyoderma: a randomized, blinded, antibioticcontrolled study. Veterinary dermatology26(5), 339-e72.
  2. Røken, M., Iakhno, S., Haaland, A. H., Wasteson, Y., & Bjelland, A. M. (2022). Transmission of methicillin-resistant Staphylococcus spp. from Infected Dogs to the Home Environment and Owners. Antibiotics11(5), 637.
  3. Nienhoff, U., Kadlec, K., Chaberny, I. F., Verspohl, J., Gerlach, G. F., Kreienbrock, L., ... & Nolte, I. (2011). Methicillin-resistant Staphylococcus pseudintermedius among dogs admitted to a small animal hospital. Veterinary microbiology150(1-2), 191-197.
  4. Windahl, U., Reimegård, E., Holst, B. S., Egenvall, A., Fernström, L., Fredriksson, M., ... & Andersson, U. G. (2012). Carriage of methicillin-resistant Staphylococcus pseudintermedius in dogs--a longitudinal study. BMC veterinary research8(1), 1-8.
  5. Hoet, A. E., Van Balen, J., Nava-Hoet, R. C., Bateman, S., Hillier, A., Dyce, J., & Wittum, T. E. (2013). Epidemiological profiling of methicillin-resistant Staphylococcus aureus-positive dogs arriving at a veterinary teaching hospital. Vector-Borne and Zoonotic Diseases13(6), 385-393.

Vote for this content: 5 4 3 2 1