ƯU ĐIỂM CỦA VẮC XIN PHÒNG BỆNH ECOLI BẰNG ĐƯỜNG UỐNG

Score0 (0 Votes)

ƯU ĐIỂM CỦA VẮC XIN PHÒNG BỆNH E.COLI BẰNG ĐƯỜNG UỐNG

Miễn dịch mẹ truyền thông qua sữa đầu chỉ tạo được miễn dịch hiệu quả chống lại các bệnh nhiễm trùng đường máu. Tương tự, việc tiêm vaccine cũng chủ yếu tạo được miễn dịch toàn thân, kháng thể ở trong máu, còn miễn dịch niêm mạc ở ruột chỉ ở mức rất thấp và không có hiệu quả bảo hộ chống bệnh do E. coli ở ruột heo, thậm chí còn có thể làm giảm hiệu quả của đáp ứng miễn dịch niêm mạc nếu heo sau đó bị nhiễm qua đường miệng vi khuẩn E. coli có độc lực. Vaccine cấp bằng đường uống có ưu điểm là kích ứng đáp ứng miễn dịch mạnh, khi có đến hơn 60% kháng thể được tạo thành mỗi ngày là do các cơ quan miễn dịch tại đường tiêu hoá sản xuất. Kháng thể IgA tiết giữ vai trò quyết định trong khả năng bảo hộ heo chống lại bệnh tiêu chảy do E. coli gây ra.

Vaccine phòng bệnh tiêu chảy do E. coli ở heo con theo mẹ

Theo Dubreuil, 2021, việc kiểm soát bệnh do E. coli nếu chỉ dựa vào sự phong toả yếu tố kết bám có thể sẽ không đủ hiệu quả nếu như vi khuẩn có thể kết bám lên niêm mạc ruột nhờ vào các yếu tố không đặc hiệu khác. Vì thế để có được bảo hộ chắc chắn còn cần phải vô hiệu hoá độc tố đường ruột của vi khuẩn E. coli. Vaccine phòng bệnh do E. coli hiệu quả cao cần phải tạo được miễn dịch chống lại cả sự kết bám và độc tố đường ruột của E. coli. Hơn nữa, vi khuẩn E. coli gây bệnh cho heo cư trú, nhân lên và gây bệnh ở ruột nên miễn dịch chống lại vi khuẩn E. coli do vaccine tạo được cho heo chủ yếu phải là miễn dịch niêm mạc, kháng thể IgA tiết (secretory IgA – sIgA).

Việc gây miễn dịch theo đường tiêm bắp không thể tạo được kháng thể IgA tiết trên đường ruột ở mức cao. Kháng thể IgA tiết ở ruột vừa ngăn chặn sự kết bám vi khuẩn E. coli lên niêm mạc ruột, vừa có tác dụng trung hoà độc tố đường ruột, qua đó tăng cường khả năng bảo hộ heo chống lại bệnh do E. coli gây ra cho heo.  Vaccine E. coli sống nhược độc theo đường miệng phải được cấp cho heo ít nhất 1 tuần trước khi dịch bệnh xảy ra để heo có đủ thời gian tạo kháng thể niêm mạc phong toả sự kết bám của vi khuẩn E. coli gây bệnh, ngăn ngừa bệnh tiêu chảy xảy ra. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine E. coli sống nhược độc theo đường miệng ở heo con có thể bị ảnh hưởng bởi kháng thể mẹ truyền, vì thế cần cân nhắc thời điểm và liều sử dụng phù hợp để có thể tạo được miễn dịch đủ hiệu quả chống bệnh do E. coli.

Vaccine phòng bệnh do E. coli hiệu quả phải tạo được miễn dịch chống lại sự kết bám của vi khuẩn lên niêm mạc ruột và trung hoà độc tố ruột do E. coli tiết ra. Vấn đề hiện nay là giữa vaccine E. coli cấp theo đường miệng và vaccine tiêm bắp, vaccine nào có hiệu quả hơn trong phòng bệnh do E. coli ở heo? Đường niêm mạc là cửa ngõ cho sự xâm nhập của hầu hết các tác nhân gây bệnh, vì thế sự hình thành miễn mạc sẽ có vai trò quyết định trong bảo vệ heo chống lại bệnh do E. coli.

Theo Jabif et al., (2021) gây miễn dịch qua đường niêm mạc có thể kích ứng tạo cùng lúc cả 2 dạng miễn dịch: miễn dịch toàn thân (trong máu) và miễn dịch niêm mạc, trong khi gây miễn dịch qua đường tiêm bắp chủ yếu chỉ kích ứng tạo miễn dịch toàn thân. Vaccine được cấp theo đường miệng có khả năng kích ứng tạo đồng thời miễn dịch niêm mạc và toàn thân, gia tăng hiệu quả bảo hộ chống bệnh do E. coli. Trong khi đó, vaccine phòng bệnh do E. coli tiêm bắp là vaccine chết, cần phải tiêm nhiều lần mới có thể tạo đủ miễn dịch bảo hộ và thường không tạo được miễn dịch bảo hộ chéo

Trong suốt giai đoạn theo mẹ, để chống lại E. coli heo con cần phải được bảo vệ bởi miễn dịch niêm mạc mẹ truyền thông qua sữa. Do vậy, giải pháp tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh do E. coli trên nái để nái có được miễn dịch chống lại vi khuẩn E. coli và truyền cho heo con qua sữa sau khi nái sinh. Vi khuẩn E. coli gây tiêu chảy ở heo con theo mẹ sở hữu chủ yếu các yếu tố kết bám F4 (K88), F5 (K99), F6 (987P), F7 (F41) và độc tố đường ruột LT, ST, vì thế vaccine phòng bệnh tiêu chảy do E. coli cần phải chứa các kháng nguyên kết bám F4, F5, F6 và F41 và độc tố đường ruột LT, ST. Để heo nái kịp tạo kháng thể và truyền cho heo con lượng kháng thể cao qua sữa, heo nái cần được tiêm vaccine 2 mũi vào thời điểm 4 và 2 tuần trước khi sinh. Heo con từ nái được gây miễn dịch với các yếu tố kết bám của E. coli có thể chống lại bệnh do E. coli. Miễn dịch mẹ truyền từ nái ngăn cản sự kết bám của vi khuẩn E. coli trên niêm mạc ruột và trung hoà độc tố ruột do E. coli sản sinh (Pereira et al., 2016).

Chương trình tiêm vaccine phòng bệnh E. coli trên nái thường được thực hiện với 2 mũi tiêm, lúc 4 và 2 tuần trước khi nái sinh, cho nái hậu bị và chỉ tiêm một mũi vaccine cho nái rạ ở 2 tuần trước khi nái sinh

Vaccine phòng bệnh do E. coli cấp cho nái qua đường miệng tạo miễn dịch mẹ truyền có trong sữa nái, bảo vệ hiệu quả heo con theo mẹ chống lại bệnh do E. coli. Tuy nhiên, miễn dịch này chỉ có thể bảo vệ heo con chống bệnh do E. coli trong vòng 1 tuần sau khi sinh. Heo cai sữa hoàn toàn không có miễn dịch mẹ truyền chống lại bệnh do E. coli, do vậy heo cai sữa cần có miễn dịch chủ động để có thể tự bảo vệ đối với bệnh do E. coli.

Theo Jabif et al., (2021), vaccine tiểu phần cấp qua đường mũi ở heo nái mang thai ở tuần thứ 11 và 13 đã tạo được kháng thể IgA và IgG trong máu heo nái và truyền qua sữa đầu giúp bảo vệ heo con sơ sinh chống bệnh do E. coli. Hiệu quả miễn dịch và bảo hộ heo con từ nái được cấp vaccine tiểu phần E. coli qua đường mũi cao hơn so với ở nái được cấp vaccine thương mại theo đường tiêm.

bieu do coli 1.jpg

Bieu do coli 2.jpg

Heo con trong vòng 12 giờ sau khi sinh được cấp vaccine E. coli sống theo đường miệng cho thấy giảm đáng kể lượng vi khuẩn E. coli bài thải trong phân so với heo con không được cấp vaccine, 0,738 ± 0,33 – 1,74 ± 0,43 log10CFU
 so với 5,90 ± 0.50 – 6,83 ± 0,41 log10CFU. Tỷ lệ chết ở heo không tiêm vaccine giảm từ 23% xuống còn 2,7% ở heo được tiêm vaccine (P<0,001), Hình 6, Kenneth et al., (2001).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kháng thể mẹ truyền đặc hiệu với E. coli trên niêm mạc đường ruột của heo con có thể làm giảm đáp ứng miễn dịch ở heo khi được cấp vaccine phòng bệnh do E. coli theo đường miệng (Snoeck et al., 2003; Goodman, 2021). Miễn dịch được tạo thành ở heo con còn kháng thể mẹ truyền, được cấp vaccine E. coli sống theo đường miệng, không bảo hộ được heo chống bệnh tiêu chảy do E. coli (Snoeck et al., 2003).

Kháng thể mẹ truyền chống lại E. coli heo con nhận được từ mẹ thay đổi tuỳ theo đặc điểm đề kháng  di truyền của nái với E. coli.  Heo nhạy cảm với E. coli dễ bị bệnh do E. coli hơn nhưng lại đáp ứng miễn dịch đối với vaccine phòng bệnh E. coli cấp theo đường miệng hiệu quả hơn. Kháng thể mẹ truyền đặc hiệu với E. coli trong sữa của nái nhạy cảm với E. coli sẽ cao hơn so với ở nái đề kháng với E. coli. Điều này có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với E. coli được cấp theo đường miệng (Sellwood, 1983). Ngoài ra, khi cấp vaccine theo đường miệng, qua nước uống, có thể xảy ra tình trạng tiếp nhận không đồng đều lượng kháng nguyên tuỳ theo mức độ tiêu thụ nước hoặc thức ăn của heo (Goodman, 2021).

Vaccine phòng bệnh tiêu chảy do E. coli ở heo sau cai sữa

Miễn dịch mẹ truyền chống bệnh do E. coli chỉ có thể duy trì trong giai đoạn heo con theo mẹ. Giai đoạn sau cai sữa, việc cấp vaccine E. coli dạng uống sẽ tạo cho heo có được miễn dịch chủ động ở niêm mạc đường tiêu hoá, giúp bảo vệ hiệu quả heo sau cai sữa chống lại bệnh do E. coli. Yếu tố kết bám chính ở E. coli gây tiêu chảy trên heo cai sữa là F4 và F18ac. Kháng thể chống lại yếu tố kết bám cần phải là kháng thể niêm mạc (kháng thể IgA) hiện diện trên đường ruột để chống lại sự kết bám của vi khuẩn E. coli ở giai đoạn cai sữa. Tuy nhiên, sau khi cai sữa heo đã không còn kháng thể mẹ truyền, E. coli gây bệnh lại cư trú ở ruột, việc cấp vaccine qua tiêm bắp không đem lại hiệu quả vì không tạo được miễn dịch niêm mạc mong muốn đối với E. coli ở heo sau cai sữa. Để tạo được nhiều kháng thể IgA chống lại vi khuẩn E. coli cần gây miễn dịch qua đường niêm mạc tiêu hóa.

Theo Mendonça et al., (2021), vaccine phòng bệnh do E. coli cấp theo đường tiêm bắp cũng có thể làm giảm sự kết bám trên niêm mạc ruột và bài thải vi khuẩn E. coli qua phân. Ở heo được tiêm vaccine phòng bệnh do E. coli, 0% mẫu phân heo và phết dịch nhầy ruột dương tính với E. coli, trong khi tỷ lệ này ở heo không được tiêm vaccine ở mức rất cao, tương ứng là 94,1% và 100%.

Tuy nhiên, vaccine E. coli dạng uống cấp cho heo khi cai sữa được đánh giá là có khả năng gây kích ứng mạnh miễn dịch niêm mạc, sản sinh kháng thể IgA tiết, tạo được miễn dịch chủ động phong toả sự kết bám của vi khuẩn E. coli gây bệnh trên đường tiêu hoá của heo, bảo vệ heo chống lại bệnh do E. coli. Nhờ vậy, giảm tỷ lệ bệnh, tỷ lệ chết, cải thiện tăng trưởng và giảm sử dụng kháng sinh tại trại. Nghiên cứu của Vince et al., (2022) cho thấy vaccine E. coli dạng uống an toàn và tạo được miễn dịch bảo hộ đối với bệnh do E. coli qua sự tăng cường hiệu quả miễn dịch dịch thể cũng như tế bào. Tăng trọng ở heo sau cai sữa được cấp vaccine dạng uống chứa kháng nguyên F4ac+/F18ac+ E. coli được cải thiện rõ rệt so với heo không được cấp vaccine. Ngoài ra, heo được cấp vaccine E. coli có sự gia tăng đáng kể miễn dịch tế bào.

Heo cai sữa được cấp vaccine E. coli sống nhược độc theo đường miệng trước khi cai sữa cho thấy sự cải thiện rõ rệt về tỷ lệ chết, năng suất và giảm sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh. Số ngày trung bình điều trị bằng kháng sinh ở heo được cấp vaccine chỉ là 0,13 ± 0,13 ngày so với 69,42 ± 9,44 ngày ở heo không được cấp vaccine E. coli (P<0,001). Vaccine tạo được miễn dịch bảo hộ ở heo chỉ sau 3 – 7 ngày và kéo dài đến 21 ngày sau cấp vaccine. Độ dài miễn dịch này đủ giúp kiểm soát bệnh tiêu chảy do E. coli ở giai đoạn nguy cơ cao của heo sau cai sữa. Cần lưu ý tránh sử dụng kháng sinh ở giai đoạn heo được cấp vaccine để tránh làm ảnh hưởng đến khả năng sống và kích ứng tạo miễn dịch của vi khuẩn E. coli sống có trong vaccine (Vangroenweghe et al., 2022).

Nghiên cứu của Nadeau et al., (2017) cho thấy, vaccine uống chứa kháng nguyên vi khuẩn E. coli sống F4ac và F18ac dương tính phòng bệnh do E. coli, cấp một lần qua nước uống cho heo sau cai sữa, sau 1 tuần đã làm giảm rõ rệt triệu chứng tiêu chảy, sự bài thải vi khuẩn E. coli gây bệnh qua phân, cũng như làm giảm tỷ lệ chết và cải thiện tăng trọng có ý nghĩa thống kê so với heo không được cấp vaccine. Vaccine đã tạo được miễn dịch bảo hộ với kháng thể IgM và kháng thể IgA trong 7 và 21 ngày sau cấp vaccine. Ngoài ra, miễn dịch chéo với vi khuẩn E. coli F18ab cũng được ghi nhận ở heo được cấp vaccine (Hình 7).

Bieu do coli 3.jpg

Vaccine phòng bệnh phù đầu do E. coli ở heo sau cai sữa

Yếu tố độc lực của vi khuẩn E. coli gây phù ở heo sau cai sữa đó là yếu tố kết bám F18ab và độc tố Stx2e. Để phòng bệnh phù do E. coli, ở heo sau cai sữa cần phải có đồng thời kháng thể đặc hiệu với yếu tố kết bám F18ab trên niêm mạc ruột và kháng thể trung hoà độc tố Stx2e trong ruột và nhất là trong máu.

Theo Nguyễn Viết Không và ctv., (2008), trong điều kiện tự nhiên heo ở mọi lứa tuổi đều nhiễm vi khuẩn E. coli gây phù đầu. Tỷ lệ dương tính với kháng thể đặc hiệu với E. coli gây phù ở heo nái là 100%, heo sơ sinh 1 tuần tuổi là 60%, 12,5% ở heo 2 – 3 tuần tuổi, 6,25% ở heo 3 – 4 tuần tuổi, 30% ở heo sau cai sữa và 57,5% ở heo hậu bị. Tỷ lệ dương tính với kháng thể đặc hiệu với E. coli gây phù thấp nhất ở heo ngay trước và sau cai sữa. Như vậy rõ ràng có một khoảng trống miễn dịch đối với E. coli gây phù ở heo sau cai sữa. Thời điểm thích hợp tiêm vaccine cho heo để phòng bệnh phù đầu do E. coli là khoảng 14 ngày tuổi.

Theo Johansen et al., (1997), vaccine độc tố Stx2e vô hoạt tiêm bắp cho heo lúc 1 và 3 tuần tuổi đã tạo được miễn dịch chống lại bệnh phù do E. coli, giảm tỷ lệ chết có ý nghĩa thống kê so với heo không được tiêm vaccine. Miễn dịch được tạo thành ở heo được tiêm vaccine tiểu phần độc tố  lúc 4 ngày tuổi đã làm giảm tỷ lệ chết ở heo do E. coli phù đầu từ 13,5% xuống còn 1,4% (P<0,05).

Tại thời điểm cai sữa, 100% heo được tiêm vaccine có kháng thể trung hoà và ở cuối giai đoạn cai sữa 92,6% heo được tiêm vaccine có kháng thể trung hoà so với 13,3% và 7,7% ở heo không được tiêm vaccine (Sidler et al., 2013). Fricke et al., (2015) cũng đã ghi nhận, vaccine tiểu phần độc tố Stx2e được tiêm cho heo con lúc 4 ngày tuổi đã làm giảm tỷ lệ chết ở heo con cai sữa từ 7,7% xuống còn 1,3%. Tiêm phòng vaccine tiểu phần độc tố Stx2e đã kiểm soát hoàn toàn bệnh phù đầu do E. coli ở heo sau cai sữa và chấm dứt việc sử dụng kháng sinh colistin để phòng bệnh tại trại. Hay theo Mesonero-Escuredo, (2021), vaccine độc tố Stx2e tái tổ hợp vô hoạt tiêm bắp cho heo con 4 ngày tuổi cho thấy đã tạo được miễn dịch ở ngày 21 sau tiêm vaccine và kéo dài đến 105 ngày sau tiêm vaccine. Ở heo được tiêm vaccine lúc 7 ngày tuổi đã có sự cải thiện đáng kể tỷ lệ bệnh, chết nhất là ở giai đoạn 7 – 9 tuần tuổi.

Nguy cơ bị bệnh và chết do E. coli phù đầu ở heo sau cai sữa được tiêm vaccine giảm 12 lần so với ở heo không được tiêm vaccine. Việc tiêm vaccine phòng bệnh phù đầu do E. coli còn giúp cải thiện tăng trưởng ở heo sau cai sữa. Nghiên cứu của Sperling et al., (2022) cho thấy, vaccine độc tố Stx2e vô hoạt đã giúp làm giảm tỷ lệ bệnh, chết do E. coli gây phù và cải thiện tăng trưởng ở heo sau cai sữa được tiêm vaccine, ngay cả với các chủng E. coli nhiễm âm tính với yếu tố kết bám F18. Heo nhiễm độc tố Stx2e máu với nồng độ thấp tuy không có biểu hiện lâm sàng của bệnh phù nhưng có thể bị giảm tang trọng do các tổn thương thành mạch. Kháng thể được tạo thành sau tiêm vaccine độc tố Stx2e vô hoạt giúp trung hoà độc tố Stx2e trong máu và cải thiện tăng trưởng.

Với Eva Perozo and Oaquim Mallorqui, (2019), vaccine chứa vi khuẩn E. coli sống nhược độc mang yếu tố F18 được cấp cho heo lúc 18 ngày tuổi đã làm giảm tỷ lệ chết do E. coli gây phù đầu. Hay vaccine chứa kháng nguyên độc tố Stx2e tái tổ hợp vô hoạt được tiêm bắp cho heo 2 ngày tuổi đã tạo được miễn dịch chống lại tình trạng nhiễm độc tố Stx2e máu, giảm tình trạng lâm sang và tỷ lệ chết từ 21 ngày tuổi đến 112 ngày sau tiêm vaccine.

Lee et al., (2022) đã tổng hợp và phân tích kết quả của các nghiên cứu thử nghiệm sử dụng vaccine phòng bệnh phù đầu do E. coli trên heo sau cai sữa và cho biết vaccine đã làm giảm tình trạng lâm sàng và tỷ lệ chết do E. coli phù đầu có ý nghĩa thống kê so với ở heo không được tiêm vaccine (p < 0.0001) và cải thiện tăng trọng với P<0,01, nhưng lại không làm giảm sự bài thải của vi khuẩn E. coli nhóm STEC trong phân. Miễn dịch phòng bệnh phù đầu do E. coli cũng gồm có miễn dịch thụ động và miễn dịch chủ động.

Kháng thể mẹ truyền từ nái được tiêm vaccine tiểu phần Stx2e lúc 3 – 5 tuần trước khi sinh có hiệu quả cao trong bảo vệ heo chống lại nhiễm độc tố Stx2e máu. Gây miễn dịch cho heo bằng chủng vi khuẩn STEC-Stx2e đột biến độc lực thấp qua đường miệng lúc 2 ngày trước cai sữa đã làm giảm bệnh lý do E. coli gây phù ở heo sau cai sữa. Nhược điểm của phương pháp này là hiệu quả miễn dịch bảo hộ hoàn toàn chỉ đạt được khi gây miễn dịch 4 ngày liên tục. Tuy nhiên, ưu điểm của vaccine dạng này là không chỉ kích ứng tạo kháng thể IgG trung hoà Stx2e trong máu mà còn tạo được mức kháng thể IgA-Stx2e niêm mạc cao. Vaccine độc tố Stxe2 vô hoạt cũng tạo được miễn dịch chống bệnh phù do E. coli khi tiêm cho heo lúc 1 và 3 tuần tuổi. Tuy nhiên tại châu Âu chỉ có vaccine độc tố Stxe2 đã được biến đổi di truyền tái tổ hợp, vaccine này có thể tiêm cho heo con từ 4 ngày tuổi, tạo được miễn dịch bảo hộ heo chống bệnh phù do E. coli ở heo sau cai sữa và duy trì miễn dịch đến 3 tháng sau tiêm vaccine.

Cũng theo Lee et al., (2022), mặc dù E. coli gây phù cần có yếu tố kết bám F18 để cư trú trên niêm mạc ruột, vaccine tiểu phần F18 không tạo được miễn dịch đầy đủ như trong trường hợp vaccine dựa trên độc tố Stx2e. Vaccine E. coli F18 được cấp qua đường miệng cho heo khoảng 2 – 3 tuần tuổi có thể làm giảm tình trạng lâm sàng của bệnh phù do E. coli.

Tại Việt Nam cũng đã có vaccine phòng bệnh phù đầu do E. coli được khuyến cáo tiêm cả cho nái và heo con theo mẹ.

Kết luận

Như vậy, các kết quả nghiên cứu về vaccine phòng bệnh do E. coli trên heo đều cho thấy vai trò chủ đạo của miễn dịch niêm mạc trong kiểm soát sự kết bám của vi khuẩn E. coli trên đường ruột và kháng thể trung hoà độc tố LT, ST của E. coli gây tiêu chảy ở ruột, và kháng thể trung hoà độc tố STx2e trong máu kiểm soát bệnh phù do E. coli ở heo sau cai sữa. Ngoài ra, các nghiên cứu đều ghi nhận khả năng nổi trội trong việc kích ứng tạo miễn dịch niêm mạc của vaccine phòng bệnh do E. coli cấp theo đường uống, tạo hiệu quả cao trong phòng bệnh do E. coli ở heo.

                 GS. NGUYỄN NGỌC HẢI - Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Viết Không, Nguyễn Đình Đảng, Nguyễn Ngọc Kiên, Trần Phương Thảo, Nguyễn Thị Hồng Thắm, TRương Văn Dung, 2008. Biến động kháng thể kháng E. coli phù đầu ở lợn nuôi công nghiệp. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y, số 3, 2008.

2. Mesonero-Escuredo, S.; Morales, J.; Mainar-Jaime, R.C.; Díaz, G.; Arnal, J.L.; Casanovas, C.; Barrabés, S.; Segalés, J. Effect of Edema Disease Vaccination on Mortality and Growth Parameters in Nursery Pigs in a Shiga Toxin 2e Positive Commercial Farm. Vaccines 2021,9,567.

3. Eva Perozo and Oaquim Mallorqui, 2019. The pig site. Field trial proves vaccine against edema disease is safe and efficacious.

4. Johansen M, Andresen LO, Jorsal SE, et al. Prevention of edema disease in pigs by vaccination with verotoxin 2e toxoid. Canadian Journal of Veterinary Research = Revue Canadienne de Recherche Veterinaire. 1997 Oct;61(4):280-285. PMID: 9342452; PMCID: PMC1189422.

5. X. Sidler, S. Mattei, R. Fricke, O. Bastert, O. Lüder, A. Becker, W. Schmid, 2013. Results of a Field Trial for Vaccine Against Edema Disease. ESPHM 2013.

6. Fricke R, Bastert O, Gotter V, Brons N, Kamp J, Selbitz HJ. Implementation of a vaccine against Shigatoxin 2e in a piglet producing farm with problems of Oedema disease: case study. Porcine Health Manag. 2015 May 7;1:6. doi: 10.1186/2055-5660-1-6. PMID: 28405415; PMCID: PMC5375124.

7. Sim In Lee, Eurade Ntakiyisumba and Gayeon Won, 2022. Systematic review and network metaanalysis to compare vaccine e ectiveness against porcine edema disease caused by Shiga toxinproducing Escherichia coli. Scientic Reports (2022) 12:6460.

8. Sperling D, Isaka N, Karembe H, Vanhara J, Vinduska J, Strakova N, Kalova A, Kolackova I, Karpiskova R (2022): Effect of the vaccination against Shiga toxin 2e in a farm with history of oedema disease, caused by atypical Escherichia coli producing Shiga toxin (STEC). Vet Med-Czech 67, 510–518.

9. É. Nadeau, J.M. Fairbrother, J. Zentek, L. Bélanger, D. Tremblay, C.-L. Tremblay, I. Röhe, W. Vahjen, M. Brunelle, K. Hellmann, D. Cveji, B. Brunner, C. Schneider, K. Bauer, R. Wolf, Á. Hidalgo, 2017. Efficacy of a single oral dose of a live bivalent E. coli vaccine against post-weaning diarrhea due to F4 and F18-positive enterotoxigenic E. coli. The Veterinary Journal 226 (2017) 32–39.

10. Daniele Araujo Pereira, Caio Abércioda Silva, Mario Augusto Ono, Odilon Vidotto, Marilda Carlos Vidotto, 2015. Humoral Immune Response of
Immunized Sows with Recombinant Proteins of Enterotoxigenic Escherichia coli. World Journal of Vaccines, 2015, 5, 60-68.

11. Silvijo Vince, Ana Marija Večkovec, Hrvoje Valpotić3 Daniel Špoljarić, Ivona Žura Žaja, Dražen Đuričić, Denis Leiner, Juraj Šavorić, Ivan Butković, Boris Habrun, Bela Njari, Ana Kovšca Janjatović, Maša Efendić , Marko Samardžija, Maja Popović, Ivica Valpotić, and Branimira Špoljarić, 2022. Immunogenicity of a live bivalent non-enterotoxigenic Escherichia coli (non-ETEC) vaccine and dietary clinoptilolite ef cacy against postweaning diarrheal disease of pigs due to F4+ and F18+ ETEC strains. VETERINARSKI ARHIV 92 (3), 259-276, 2022.

12. J. Daniel Dubreuil, 2021. Pig vaccination strategies based on enterotoxigenic Escherichia coli toxins. Brazilian Journal of Microbiology (2021) 52:2499–2509, 2021.

13. Daniele Araujo Pereira, Marilda Carlos Vidotto, Karla Alvarenga Nascimento, Anne Caroline Ramos dos Santos, Marina Lopes Mechler, Luís Guilherme de Oliveira, 2016. Virulence factors of Escherichia coli in relation to the importance of vaccination in pigs. Ciência Rural, v.46, n.8, ago, 2016.

14. John M. Fairbrother, Eric Nadeau and Carlton L. Gyles. Escherichia coli in postweaning diarrhea in pigs: an update on bacterial types, pathogenesis, and prevention strategies. Animal Health Research Reviews 6(1); 17–39.

15. V Snoeck, N Huyghebaert, E Cox, A Vermeire, S Vancaeneghem, J.P Remon, B.M Goddeeris, 2003. Enteric-coated pellets of F4 fimbriae for oral vaccination of suckling piglets against enterotoxigenic Escherichia coli infections. Veterinary Immunology and Immunopathology, Volume 96, Issues 3–4, 2003, Pages 219-227, ISSN 0165-2427.

16. Vangroenweghe, F.A.C.J.; Boone, M., 2022. Vaccination with an Escherichia coli F4/F18 Vaccine Improves Piglet Performance Combined with a Reduction in Antimicrobial Use and Secondary Infections Due to Streptococcus suis. Animals2022,12,2231.

17. Jabif MF, Gumina E, Hall JW, Hernandez-Velasco X and Layton S (2021). Evaluation of a Novel Mucosal Administered Subunit Vaccine on Colostrum IgA and Serum IgG in Sows and Control of Enterotoxigenic Escherichia coli in Neonatal and Weanling Piglets: Proof of Concept. Front. Vet. Sci. 8:640228. doi: 10.3389/fvets.2021.640228.

18. Michelle Rose Goodman, 2021. An investigation of post-weaning diarrhea control strategies and enterotoxigenic Escherichia coli challenge trial methodology. Guelph, Ontario, Canada
© Michelle Rose Goodman, June, 2021.

19. R. Sellwood, 1983. Genetic and immune factors in the susceptibility of piglets to Escherichia coli diarrhea. Annales de Recherches Vétérinaires, INRA Editions, 1983, 14 (4), pp.512-518. hal-00901463.

20. Kenneth J. Genovese,, Roger B. Harvey,, Robin C. Anderson, &
David J. Nisbet (2001) Protection of Suckling Neonatal Pigs Against Infection with an Enterotoxigenic Escherichia coli Expressing 987P Fimbriae by the Administration of a Bacterial Competitive Exclusion Culture, Microbial Ecology in Health and Disease, 13:4, 223-228, DOI: 10.1080/089106001753341309.

Vote for this content: 5 4 3 2 1